Thưa luật sư! Mẹ tôi mất năm 1959, cha mất năm 1981 đến 2018 thì các con có được khởi kiện chia thừa kế?
Ngày đăng: 10-09-2018
7,045 lượt xem
Cụ thể như sau: vợ chồng ông NQV và bà PTT có 7 người con, ông bà tạo lập được khối tài sản gồm nhà và đất tại xã CH, huyện VB, tỉnh NĐ. Bà PTT chết năm 1959, sau khi bà mất ông NQV có vợ khác là bà BTS, sinh thêm 1 người con. Ông NQV chết năm 1981, bà BTS ở và sử dụng, trông coi nhà đất trên đến năm 2003 thì mất. Nay một trong số 7 người con đầu của ông NQV khởi kiện tại Toà án nhân dân tỉnh NĐ, yêu cầu chia thừa kế đối với nhà, đất trên.
Luật sư trả lời:
Câu hỏi đặt ra là: Trong trường hợp này là “ thời hiệu khởi kiện chia thừa kế còn hay không?”
Theo Pháp lệnh thừa kế năm 1990, Bộ luật dân sự năm 1995 và Bộ luật dân sự năm 2005 thì thời hiệu khởi kiện chia thừa kế là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế. Riêng đối với những việc thừa kế đã mở trước ngày 10/9/1990, thì thời hiệu được tính từ ngày 10/9/1990 (ngày có hiệu lực của Pháp lệnh thừa kế 1990). Như vậy, theo những quy định này thì di sản do ông NQV và bà PTT để lại đã hết thời hiệu khởi kiện chia thừa kế từ sau ngày 10/9/2000.
Hiện nay, Bộ luật dân sự 2015 (BLDS 2015) đã có hiệu lực từ ngày 01/7/2017 và thay thế cho các pháp lệnh, bộ luật nêu trên. Theo đó, thời hiệu khởi kiện chia thừa kế đối với bất động sản là 30 năm kể từ thời điểm mở thừa kế.
Đặc biệt, riêng về thời hiệu, BLDS 2015 có hiệu lực hồi tố, nghĩa là được áp dụng với cả những giao dịch dân sự có trước khi BLDS 2015 có hiệu lực. Điều này được khẳng định rõ ràng tại điểm c Điều 688 của Bộ luật này:
“Điều 688. Điều khoản chuyển tiếp
1. Đối với giao dịch dân sự được xác lập trước ngày Bộ luật này có hiệu lực thì việc áp dụng pháp luật được quy định như sau:
a) …;
b) …;
c) …;
d) Thời hiệu được áp dụng theo quy định của Bộ luật này.
2. Không áp dụng Bộ luật này để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với vụ việc mà Tòa án đã giải quyết theo quy định của pháp luật về dân sự trước ngày Bộ luật này có hiệu lực.”
Về thừa kế, Điều 623 BLDS 2015 quy định:
“Điều 623. Thời hiệu thừa kế
1. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó….”
Trong quy định nêu trên, nhà làm luật không còn dùng khái niệm thời hiệu khởi kiện chia thừa kế như các pháp lệnh, bộ luật cũ, mà dùng khái niệm rộng hơn là Thời hiệu yêu cầu chia thừa kế, nội hàm của khái niệm này bao gồm cả khái niệm thời hiệu khởi kiện chia thừa kế.
Như vậy, người để lại di sản là bất động sản nêu ở đầu bài là ông NQV và bà PTT đã chết từ nằm 1981 trở về trước, thì đến năm 2012 là không còn được khởi kiện chia thừa kế nữa. Thậm chí, dù không khởi kiện, mà ngay cả những biện pháp thông thường như yêu cầu họp gia đình, dùng lời nói, hay văn bản,… để yêu cầu chia thừa kế cũng đều không chính đáng khi thời hiệu đã hết.
Cần lưu ý rằng, với cách quy định tại điểm c khoản 1 Điều 688, khác hoàn toàn với Pháp lệnh và các bộ luật dân sự trước, BLDS 2015 đã dứt khoát loại bỏ hoàn toàn hiệu lực của Pháp lệnh thừa kế 1990, Bộ luật dân sự 1995, Bộ luật dân sự 2005 cũng như tất cả những văn bản quy phạm pháp luật khác đối với quy định về thời hiệu liên quan đến giao dịch dân sự.
Mặc dù vậy, trong văn bản số 01/GĐ-TANDTC ngày 05/01/2018 của Toà án nhân dân tối cao giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ, tại mục I lại hướng dẫn áp dụng Pháp lệnh thừa kế 1990 và Nghị quyết 02/HĐTP năm 1990 để xác định thời điểm bắt đầu tính thời hiệu đối với trường hợp mở thừa kế trước ngày 10/9/1990.
Trong khi, lẽ ra, theo phân tích ở trên, vấn đề thời hiệu chỉ được áp dụng theo Bộ luật dân sự 2015, và theo quy định tại Điều 623 dẫn trên, thì thời điểm bắt đầu tính thời hiệu là kể từ thời điểm mở thừa kế, chứ không phải là ngày 10/9/1990 như hướng dẫn.
Thiết nghĩ, về hình thức, văn bản giải đáp của Toà án nhân dân tối cao tuy không phải là văn bản quy phạm pháp luật, nhưng lại có giá trị để các thẩm phán và hội thẩm áp dụng khi giải quyết vụ án. Vô hình chung, văn bản này có giá trị với toàn xã hội, không kém gì một văn bản quy phạm pháp luật. Vì vậy, cần được điều chỉnh cho phù hợp với quy định tại Điều 623 và Điều 688 BLDS 2015.
Như vậy, kể từ ngày người sau cùng chết là 1981 đến nay là 37 năm, căn cứ vào Bộ Luật dân Sự năm 2015 thì Thời hiệu khởi kiện chia thừa kế đã hết.
Với câu trả lời trên hy vọng đã trả lời được cho bạn câu hỏi Thời hiệu khởi kiện thừa kế còn hay không?
Chào bạn!
Quý khách có thể gọi điện thoại 0909 95 95 73 để được tư vấn và hẹn gặp Luật sư.
![]() |
CÔNG TY LUẬT THẾ HỆ MỚI |
"Khi bạn gặp khó khăn về pháp luật đã có Luật Thế Hệ Mới"
Gửi bình luận của bạn