THAY ĐỔI QUYỀN NUÔI CON SAU LY HÔN

Chào Luật sư. Tôi và vợ cũ đã ly hôn được hơn 01 năm, chúng tôi có 02 con chung 01 bé gái 03 tuổi, 01 bé trai 07 tuổi. Khi ly hôn chúng tôi thỏa thuận cho vợ cũ trực tiếp nuôi 2 con, còn tôi cấp dưỡng hàng tháng. Tôi cấp dưỡng đầy đủ, thăm nuôi con bình thường. Tuy nhiên, mấy tháng gần đây vợ cũ thất nghiệp, thay đổi thái độ, không cho tôi gặp con, thăm con, mỗi lần tôi đến là mắng chửi, đuổi…ở trường cũng không cho gặp. Tôi kiên nhẫn tìm hiểu, giải thích nhưng cũng không được, cô ta ngày càng hung hăng và chửi bới tôi nhiều hơn, khiến tình hình rất căng thẳng, tâm lý của con cũng không tốt, hai bé rất buồn. Tình trạng này kéo dài tôi rất lo lắng, ảnh hưởng rất lớn đến hai đứa con tôi vì thấy chúng càng ngày càng ít nói, rất buồn. Tôi phải làm sao đây luật sư, hiện tại công việc và cuộc sống tôi đã ổn định, có thể chăm nuôi con vậy tôi có thay đổi quyền nuôi con sau ly hôn được không?

Ngày đăng: 19-01-2021

929 lượt xem

            Cảm ơn quý khách đã có câu hỏi tư vấn luật gửi về Công ty Luật Thế Hệ Mới. Về câu hỏi thay đổi quyền nuôi con sau ly hôn luật sư trả lời như sau:
            Theo như bạn trình bày thì hiện tại vợ chồng bạn đã ly hôn, vợ cũ là người trực tiếp nuôi con, tuy nhiên giờ vợ cản trở quyền thăm nom con của bạn.
   Theo Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 thì cha/mẹ không trực tiếp  nuôi con có quyền và nghĩa vụ theo điều 82: 1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.
   Ngược lại Cha/mẹ trực tiếp nuôi con có quyền và nghĩa vụ quy định tại điều 83 như sau: 1. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại Điều 82 của Luật này; yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình tôn trọng quyền được nuôi con của mình.2. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
Theo như  bạn trình bày thì bạn đã thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng đầy đủ nhưng vợ cũ lại không cho bạn được thăm nom, chăm sóc, giáo dục con là đã vi phạm nghĩa vụ của người trực tiếp nuôi con làm ảnh hưởng đến quyền của bạn đối với con cái.
Do đó, bạn cần thu thập các căn cứ về việc vợ cũ ngăn cản việc thăm nuôi con, ảnh hưởng đến cuộc sống, sự giáo dục của con..., đồng thời anh cũng xem xét các điều kiện của bản thân và có quyền nộp hồ sơ lên Tòa án để “thay đổi quyền nuôi con sau ly hôn” hay còn gọi là thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn. Quy định tại điều 84  như sau:
Điều 84. Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn
1. Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 Điều này, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.
2. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:
a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;
b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
3. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên.
4. Trong trường hợp xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì Tòa án quyết định giao con cho người giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự.
5. Trong trường hợp có căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này thì trên cơ sở lợi ích của con, cá nhân, cơ quan, tổ chức sau có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con:
a) Người thân thích;
b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;
c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;
d) Hội liên hiệp phụ nữ.
    Vụ việc của bạn thuộc tranh chấp dân sự nên sẽ thực hiện theo trình tự, thủ tục của Bộ luật tố tụng Dân sự năm 2015. Trên đây là tư vấn của Luật Thế Hệ Mới về quy định “thay đổi quyền nuôi con sau ly hôn” hy vọng bạn có được thông tin pháp luật cần thiết.
            Trân trọng./.

Quý khách có thể gọi điện thoại 0909 95 95 73 để được tư vấn và hẹn gặp Luật sư.

CÔNG TY LUẬT

THẾ HỆ MỚI

"Khi bạn gặp khó khăn về pháp luật đã có Luật Thế Hệ Mới"

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha