CHỒNG ĐANG ĐI TÙ THÌ VỢ CÓ QUYỀN ĐƠN PHƯƠNG LY HÔN HAY KHÔNG?

Chào Luật sư, tôi xin Luật sư tư vấn giúp tôi vấn đề này: Tôi đã kết hôn với chồng tôi được 3 năm. Vì công việc làm ăn bị phá sản nên chồng tôi lúc nào cũng lấy tiền của tôi kiếm được để cờ bạc, rượu chè rồi đánh đập tôi. Tôi đã nhiều lần nhờ Tổ dân phố và hàng xóm sang khuyên bảo, nhắc nhở nhưng vẫn không được nên đã giấu tiền đi. Thiếu tiền đánh bạc nên chồng tôi đã ăn trộm của em họ tôi 05 cây vàng và lỡ tay giết người. Hiện tại, chồng tôi đang đi tù không biết đến khi nào mới về. Để thoát khỏi cuộc hôn nhân đau khổ này, tôi muốn ly hôn thì có được không? Tôi phải làm những gì? Từ khi chung sống đến nay, chúng tôi không hề có tài sản chung gì hết, nợ của chồng tôi cũng đã trả hết và chúng tôi đã có 1 đứa con được 3 tuổi rưỡi.

Ngày đăng: 03-10-2016

4,000 lượt xem

Chào chị

Cảm ơn chị đã gửi câu hỏi về Công ty Luật Thế Hệ Mới. Câu hỏi của chị là CHỒNG ĐANG ĐI TÙ THÌ VỢ CÓ QUYỀN ĐƠN PHƯƠNG LY HÔN HAY KHÔNG? Luật sư tư vấn như sau:

Thứ nhất, về quyền yêu cầu ly hôn và điều kiện để được ly hôn:

-         Khoản 1 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn”.

-         Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được”.

Như vậy, theo quy định của pháp luật, chị có quyền nộp hồ sơ yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn. Kèm theo đơn chị cần cung cấp các chứng cứ để chứng minh cho lý do ly hôn của mình. Ví dụ như: biên bản nhắc nhở, hòa giải của Tổ dân phố, giấy xác nhận của Ban quản lý trại giam nơi chồng chị đang chấp hành án tù, hoặc có thể mời hàng xóm, người thân đã chứng kiến các lần cãi nhau của hai vợ chồng ra làm chứng…

Thứ hai, về con chung:

Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định:

-         “Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

-         Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”

Như vậy, trong trường hợp này, vì chồng chị đang đi tù nên Tòa án sẽ căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con (về học tập, chăm sóc y tế, thể chất, tinh thần, môi trường sống…) để quyết định giao con cho chị trực tiếp nuôi. Chị có thể yêu cầu thêm về khoản tiền cấp dưỡng cho con.

Thứ ba, Tòa án thụ lý: 

Căn cứ vào Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39 Luật tố tụng dân sự 2015 thì Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc trên là Tòa án nhân dân huyện (quận, thị xã) nơi bị đơn (chồng chị) đang cư trú.

Trong trường hợp này, chị cần cung cấp văn bản xác nhận của Ban quản lý trại giam nơi chồng chị đang chấp hành án phạt tù để làm căn cứ xác định nơi cư trú.

Thứ tư, hồ sơ đơn phương ly hôn gồm:

1.      Đơn khởi kiện yêu cầu đơn phương ly hôn theo đúng quy định pháp luật;

2.      Bản chính giấy đăng ký kết hôn;

3.      Bản sao giấy khai sinh con;

4.      Bản sao chứng minh nhân dân, hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú của chị và chồng chị;

5.      Bản sao bản án, quyết định liên quan đến việc chồng chị đang chấp hành án phạt tù;

6.      Giấy xác nhận của Ban quản lý trại giam nơi chồng chị đang chấp hành án phạt tù;

7.      Các văn bản khác dùng để làm chứng cứ chứng minh cho lý do ly hôn của chị (nếu có)...

Như vậy, vợ hoặc chồng hoàn toàn có quyền nộp đơn xin đơn phương ly hôn khi mà người vợ hoặc chồng của mình đang phải chấp hành bản án tù tại trại giam.

Trên đây là tư vấn của Công ty luật chúng tôi.

Trân trọng./.

 

 


Quý khách có thể gọi điện thoại 0909 95 95 73 để được tư vấn và hẹn gặp Luật sư.

CÔNG TY LUẬT

THẾ HỆ MỚI

"Khi bạn gặp khó khăn về pháp luật đã có Luật Thế Hệ Mới"

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha